Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng thuộc địa giới hành chính huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 40 km về phía bắc, diện tích rừng đặc dụng 19.913,54 ha; phạm vi quy hoạch Khu bảo tồn trên địa bàn 7 xã và 01 thị trấn của huyện Võ Nhai, địa hình chia cắt hiểm trở, núi đá chiếm 87% diện tích đất rừng đặc dụng. Khu vực thuộc phần cuối cùng phía nam của dãy Ngân Sơn bắt đầu từ tỉnh Bắc Kạn, độ cao tuyệt đối trung bình khoảng 700 m.
- Phía Bắc giáp huyện Na Rì, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
- Phía Đông giáp huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
- Phía Tây giáp huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
- Phía Nam giáp với các xã của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có hệ sinh thái rừng núi đá độc đáo, có tính đa dạng sinh học phong phú với nhiều nguồn gen và là nơi cư trú của nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm và nhiều hệ sinh thái chuẩn của vùng núi đá. Nơi đây còn lưu giữ các di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh có giá trị như hang Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà, Thác mưa rơi, Mái đá ngườm, Suối Tiên...
Hệ thực vật: có trên 160 họ với 1.096 loài, trong đó cây gỗ là 319 loài, cây dược liệu 574 loài, cây cảnh: 84 loài. Thực vật phong phú, đa dạng, một số loài cây quý, hiếm cần được bảo tồn phát triển như: Lan Kim tuyến (Nhóm IB); Nghiến, Trai Lý, Thông Tre, Đinh, Sến, Táu mật...
Hệ động vật: Có 295 loài, trong đó loài thú 56 loài (tháng 6/2010, phát hiện một đàn Voọc mũi hếch khoảng 7 con); loài chim 117 loài, loài bò sát 28 loài, trong khu bảo tồn có 15 loài thuộc nhóm IB và 19 loài thuộc nhóm IIB. Quá trình điều tra, khảo sát vẫn còn các loài động vật như: Báo Hoa, Khỉ mặt đỏ, một số loài Hon, Cầy Vòi, Sơn Dương, Sóc, Hươu, Lợn rừng, Khỉ vàng, các loài bò sát như Kì đà, Trăn, Hổ mang chúa, Hổ mang bành....
Các xã nằm trong Khu bảo tồn là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, trình độ dân trí phát triển không đồng đều, đất sản xuất nông nghiệp ít, (chủ yếu là đất lúa một vụ), đời sống kinh tế khó khăn nên phần lớn còn sống phụ thuộc vào rừng và khai thác các sản phẩm từ rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khó khăn gây áp lực rất lớn cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
* Công tác tuyên truyền:.
- Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã xuống tận các thôn, bản. Tổ chức các buổi tuyên truyền chuyên đề cho đồng bào Mông sinh sống trong khu bảo tồn; tích cực phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý, khai thác, gây nuôi, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã nói chung, đặc biệt không săn bắt, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Kết quả từ năm 2015 đến hết năm 2019, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền được 104 lớp tuyên truyền cho 6.982 người tham dự; sửa chữa và lắp đặt mới 18 biển tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã
* Các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã:
Lực lượng Kiểm lâm khu bảo tồn xây dựng Kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã trong khu bảo tồn, tổ chức tuần tra bảo vệ rừng tận gốc. Kết quả từ năm 2015 đến hết năm 2018, đơn vị đã thực hiện tuần tra bảo vệ rừng được 1.250 buổi; dỡ bỏ, tiêu hủy 77 lán tạm lập trái phép trong rừng, lập biên bản thu giữ, tịch thu sung quỹ nhà nước 18 cưa xăng đưa trái phép vào rừng đặc dụng.
* Công tác thu hồi súng săn, bẫy săn bắt động vật hoang dã:
Trong khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng còn nhiều loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ, phát triển, người dân sinh sống trong khu bảo tồn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn các hộ gia đình thường tàng trữ súng săn, súng kíp, súng tự chế để tổ chức săn bắn, giết hại động vật hoang dã. Nhằm sử lý triệt để tận gốc tình trạng nêu trên thì cần phải thu hồi được súng săn, cạm bẫy bắt động vật hoang dã. Ban quản lý xây dựng Phương án thu hồi súng săn, bẫy săn bắt động vật hoang dã trong khu bảo tồn, giai đoạn 2015 - 2020 trình UBND huyện Võ Nhai phê duyệt. Tổ chức triển khai thực hiện Phương án, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi súng săn, bẫy bắt động vật hoang dã trong đó trưởng ban là đồng chí Giám đốc Ban kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Phó Ban Chỉ đạo là lãnh đạo Công an huyện, Thành viên Ban Chỉ đạo là Chủ tịch UBND các xã trong khu bảo tồn, các ông Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm; UBND các xã thành lập các Ban Chỉ đạo của xã do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng thời thành lập các Tổ xung kích để tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp súng săn, súng tự chế, cạm bẫy bắt động vật hoang dã và tổ chức, thu hồi, xử lý các đối tượng cố tình tàng trữ, không chấp hành giao nộp.

Kết quả từ năm 2015 đến hết năm 2018, đã thu giữ được 52 khẩu súng săn, súng kíp, súng tự chế và 88 cạm bẫy săn bắt động vật hoang dã bàn giao cho Công an huyện Võ Nhai để xử lý theo quy định của Pháp luật.
* Công tác quản lý kinh doanh nuôi, nhốt, giết mổ động vật hoang dã và xử lý các đối tượng buôn bán động vật hoang dã
- Hiện tại trên địa bàn các xã trong khu bảo tồn không có tổ chức, cá nhân hoặc cơ sở nào nuôi, nhốt, kinh doanh, giết mổ động vật hoang dã.
- Vận động nhân dân giao nộp động vật hoang dã: Ngày 05/12/2016 người dân đi tuần tra bảo vệ rừng đã phát hiện 01 cá thể Khỉ Mặt Đỏ đã chết ở trên rừng. Người dân đã báo cáo và giao nộp cho lực lượng Kiểm lâm 01 cá thể Khi Mặt Đỏ đã chết trên với trọng lượng 12,8 kg, cá thể khi giao nộp đã trong tình trạng phân hủy. Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chức năng thiết lập hồ sơ và thực hiện tiêu hủy cá thể Khi Mặt Đỏ trên theo quy định của Pháp luật.
Trong những năm qua, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xây dựng, sử dụng và phát triển đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng tỉnh Thái Nguyên, đóng vai trò quan trọng và tích cực trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Hệ thống rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã phát huy tốt vai trò bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường rừng. Bản thân đã chỉ đạo đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng đồng bộ, quyết liệt như: Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng của người dân; xây dựng Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng với các cơ quan chức năng, lực lượng Kiểm lâm vùng giáp ranh của tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thái Nguyên; với UBND các xã trong khu bảo tồn; tổ chức triển khai phương án thu hồi súng săn nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắn giết hại động vật hoang dã trong khu bảo tồn. Số vụ vi phạm săn bắn, giết hại động vật hoang dã đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nhận thức của người dân, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã được nâng lên, rừng được bảo vệ và phát triển tốt tạo môi trường sống thuận lợi cho các loại động vật hoang dã, bảo tồn các nguồn gen và tính đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Tại địa bàn các xã Thần Sa, Cúc Đường, Vũ Chấn, Sảng Mộc nằm trong khu bảo tồn vẫn còn các đàn cắng, khỉ; các loài động vật hoang dã nhỏ và dấu vết để lại của các loài thú lớn sinh sống trong rừng đặc dụng, là dấu hiệu tốt cho bảo tồn và phát triển các loại động vật hoang dã. Công tác thu hồi súng săn, bẫy bắt động vật hoang dã đã đạt được kết quả tốt, rừng được bảo vệ và phát triển tốt, là nơi trú ngụ cho động vật hoang dã về sinh sống và phát triển trong khu bảo tồn./.
Bình luận 0