Hiện cả nước có khoảng 25 triệu người dân có cuộc sống liên quan đến rừng. Để giúp người dân bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, từ nhiều năm qua địa phương đã xây dựng nhiều mô hình trồng các loài cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân: Trồng thảo quả, Kim tiền thảo, Sa nhân, Ba Kích, Cát Sâm…điều này khẳng định phát triển dược liệu là một trong hướng đi để khai thác bền vững tài nguyên rừng, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vừa là giải pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên được thành lập tại Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 25/6/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở sáp nhập Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng và Ban quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Nùi Cốc. Trong đó riêng Khu rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng có diện tích được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, phát triển là 19.913,54 ha. Khu bảo tồn có hệ sinh thái rừng núi đá độc đáo, có tính đa dạng sinh học phong phú với nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm và nhiều hệ sinh thái chuẩn của vùng núi đá vôi, tài nguyên rừng còn nhiều cây gỗ lớn, là rừng tự nhiên giáp ranh với 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, có chiều dài trên 40 km vùng rừng giáp ranh, là khu vực phòng thủ an ninh quốc phòng của Nhà nước và là khu rừng quý duy nhất của tỉnh Thái Nguyên.
Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, giúp người dân tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới, biết áp dụng các kỹ thuật trồng cây dược liệu theo hướng thương mại, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân làm giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học trong khu bảo tồn. Năm 2020, Ban quản lý rừng đặc dụng phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại xã Sảng Mộc với 07 hộ gia đình tham gia, quy mô 06 ha cây Ba kích và cây Cát Sâm.
Để thực hiện có hiệu quả mô hình này, Ban quản lý cung cấp 100 % cây giống và phân bón và tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Qua đó người dân tiếp thu được tiến bộ kỹ thuật mới, biết áp dụng các kỹ thuật trồng cây dược liệu theo hướng thương mại. Tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Nâng cao giá trị của sản phẩm, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới về trồng cây dược liệu nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cung cấp nguồn dược liệu có giá trị cho gia đình và xã hội,...
Cây Ba Kích và Cát Sâm đều thích nghi tốt với môi trường, điều kiện đất đai, khí hậu của khu vực và phù hợp với trình độ chăm sóc của đồng bào. Với quy mô hiện tại thì Ban quản lý chưa đáp ứng được hết nhu cầu của bà con, vì vậy Ban quản lý cần được đầu tư mở rộng mô hình thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu của đồng bào trong khu vực vùng đệm rừng đặc dụng.




Cây Cát Sâm thích nghi môi trường và phát triển tốt sau khi trồng
Tin và Ảnh: Ma Thị Tiệp
Bình luận 0