Sáng 10/01, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Tổng kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng giữa Ban quản lý rừng đặc dụng phòng hộ tỉnh Thái Nguyên với UBND các xã, thị trấn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các xã, thị trấn có rừng đặc dụng; các ban ngành đoàn thể xã; đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai và kiểm lâm địa bàn, trưởng thôn, xóm có rừng đặc dụng.
Khu rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng nằm trên địa bàn 07 xã và 01 thị trấn: Thần Sa, Sảng Mộc, Thượng Nung, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Phú Thượng, Cúc Đường và thị trấn Đình Cả là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, có trữ lượng gỗ lớn và có nhiều loài động, thực vật, dược liệu quý hiếm dễ bị tác động bởi các đối tượng xâm hại rừng. Địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nằm xa trung tâm do vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện, chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp số 345/QCPH-BQL-UBND CÁC XÃ, TT ngày 30/6/2022 trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng giữa Ban quản quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên với UBND các xã, thị trấn trong Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Qua thực hiện quy chế phối hợp, bước đầu các hành vi xâm hại tài nguyên rừng đã được kiểm soát và ngăn chặn.




Trên cơ sở quy chế phối hợp với UBND các xã, thị trấn Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Trạm bảo vệ rừng số 1, số 2 tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể trong việc phối hợp thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng tùy theo đặc điểm tình hình từng địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Lịch - Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao hiệu quả của việc triển khai quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, góp phần làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng vùng giáp, vùng đệm, đồng thời mong muốn các đơn vị địa phương cần nghiêm túc đánh giá rút kinh nghiệm, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm những năm tiếp theo, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị cũng như đạt được các nội dung mà quy chế phối hợp đã đề ra. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đề nghị tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn như: Kiểm lâm, công an, quân đội trong công tác quản lý bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương quản lý tốt tình hình dân cư tại các vùng đệm; tăng cường kiểm tra các hoạt động lâm nghiệp; tăng cường công tác phối hợp, thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng./.
Tin và ảnh: Trung Phạm
Bình luận 0