Khu Dự trữ thiên nhiên (Khu DTTN) Thần Sa - Phượng Hoàng được thành lập theo Quyết định số 4143/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 với diện tích 18.704,89 ha, nằm trên địa bàn 07 xã và 01 thị trấn bao gồm (xã Thần Xa, Sảng Mộc, Thượng Nung, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Phú Thượng, Cúc Đường và thị trấn Đình Cả).
Khu DTTN Thần Sa - Phượng Hoàng có thành phần thực vật, động vật đa dạng, phong phú với hệ sinh thái rừng núi đá vôi đặc trưng, có giá trị bảo tồn cao: Về thực vật có 6 kiểu thảm thực vật, 1.234 loài thuộc 660 chi, 171 họ, 5 ngành và 02 lớp thực vật, trong đó ghi nhận 56 loài trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới thuộc đối tượng cần phải bảo tồn; Về động vật có 348 loài, 89 họ, 25 bộ, trong đó có 60 loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn. Đối với nhóm thú linh trưởng, các nghiên cứu tại Khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng đến nay chủ yếu là từ khá lâu. Theo các tài liệu đã công bố, số loài thú linh trưởng đã được ghi nhận tại Khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng có 8 loài: Cu li lớn (Nycticebus bengalensis), Cu li nhỡ (Xanthonycticebus intermedius), Khỉ cộc (Macaca arctoides), Khỉ vàng (Macaca mulatta), Khỉ mốc (Macaca assamensis), Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi), Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus), Vượn đen tuyền đông bắc (Nomascus nasutus). Tuy nhiên sau nhiều năm có thể nhiều loài không còn xuất hiện ở khu vực, tình trạng của các loài thú linh trưởng chưa được đánh giá đầy đủ.
Do vậy năm 2024, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiệm vụ điều tra đánh giá thực trạng các loài động vật thuộc bộ Linh trưởng (Primates) tại khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng. Để có số liệu chính xác và đầy đủ.
Một số hình ảnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều tra đánh giá thực trạng các loài động vật thuộc bộ Linh trưởng (Primates) tại khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng.




Ảnh điều tra trên các tuyến

Cu li nhỏ
Khỉ mặt đỏ

Khỉ đuôi lợn

Culi lớn

Khỉ mốc
Kết quả của đợt điều tra đã cập nhật tình trạng các loài thú linh trưởng (thành phần loài, kích thước, phân bố), đánh giá đặc điểm sinh thái học của các loài thú linh trưởng trong khu vực, xây dựng chương trình giám sát theo kết quả điều tra thực địa, xác định các mối đe dọa và đề xuất các giải pháp giảm thiểu, quản lý và bảo vệ các loài thú linh trưởng trong khu vực. Bảo tồn các loài linh trưởng góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường thiên nhiên là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Bình luận 0