Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên được giao quản lý, bảo vệ hơn 19.000ha rừng đặc dụng và trên 3.400ha rừng phòng hộ trọng yếu của tỉnh. Hầu hết diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng đều là rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, trữ lượng gỗ lớn và nằm ở những vị trí có địa hình hiểm trở, xa khu dân cư nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng, nhất là vào mùa khô.
Ý thức được tầm quan trọng trong công tác PCCCR, ngay sau khi đơn vị được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/8/2020, Ban quản lý rừng đặc dụng phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và ban hành Phương án PCCCR đối với khu rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng và khu rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, đảm bảo luôn có sự chuẩn bị, sẵn sàng trong công tác phòng chống cháy rừng và phương án chữa cháy rừng kịp thời và hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng; tăng cường tuần tra, kiểm soát; nghiêm cấm mang lửa vào rừng mùa khô hanh; thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, tăng cường lực lượng chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra, phối hợp xác minh nguyên nhân, thiệt hại cháy rừng và xem xét xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm về PCCCR cho người dân…
Ban quản lý đã thành lập 1 Đội PCCCR gồm 33 thành viên là cán bộ, viên chức, người lao động và 01 Ban chỉ huy PCCCR có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR và bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học. Trong năm 2020, đơn vị đã cử 06 cán bộ tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng cấp huyện do huyện Võ Nhai tổ chức; 15 cán bộ tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh do Chi cục Kiểm lâm tổ chức.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị thường xuyên giữ mối liên hệ, phối hợp với Kiểm lâm viên phụ trách địa bản tham mưu cho UBND các xã có rừng kiện toàn các Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng, PCCCR và các tổ, đội quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Nhờ đó, đến nay tại các xã, thị trấn có 174 Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với 2.625 thành viên.
Việc kiểm tra, tuần tra rừng tại địa bàn do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phụ trách theo lô/khoảnh/tiểu khu được tiến hành thường xuyên với 2-3 lần/tuần; vào thời kỳ cao điểm về nắng nóng, khô hanh; cháy rừng ở cấp độ IV, V đơn vị cử cán bộ kỹ thuật tăng cường thông tin; phương tiện chữa cháy hỗ trợ địa bàn luôn sẵn sàng, chủ động và linh hoạt, kịp thời xử lý các tình huống, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ; kịp thời huy động lực lượng tham gia để nhanh chóng dập tắt đám cháy. Đơn vị cũng đã trang cấp nhiều trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR như: Bơm nước động cơ xăng, máy thổi gió, bàn dập lửa chuyên dụng, máy định vị, máy phun hóa chất…
Trong những năm qua, Ban quản lý luôn chủ động và thường xuyên quán triệt, phổ biến đến cán bộ, viên chức trong đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR, không để xảy ra cháy rừng; thường xuyên đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữ cháy; chấp hành tốt các quy định về PCCC, trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ nhằm kịp thời xử lý khống chế khi có cháy xảy ra. Với những thành tích đạt được, nâm 2020, Ban vinh dự được Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy.
Để tiếp tục chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR, trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng cảnh sát PCCC và CHCN tăng cường công tác phối hợp tập huấn về PCCC&CNCH cho lực lượng PCCCR tại chỗ của đơn vị. Đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên quan tâm, cấp kinh phí thực hiện mua sắm trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ PCCCR hiệu quả hơn.



Một số hình ảnh các cán bộ đi tuần tra bảo vệ rừng, kiểm tra công tác PCCCR
Dạ Hương
Bình luận 0