Với tổng diện tích 18.704,89 ha, nằm trên dãy núi đá vôi thuộc phía Bắc của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, Khu dự trữ thiên nhiên (DTTN) Thần Sa - Phượng Hoàng là khu rừng tự nhiên lớn nhất còn lại của tỉnh và được xem như là “lá phổi xanh tự nhiên” của tỉnh Thái Nguyên. Khu DTTN có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vỹ, có hệ động thực vật rất phong phú, đa dạng và hệ sinh thái rừng núi đá vôi đặc trưng, có giá trị bảo tồn cao. Qua điều tra, thống kê về động vật hoang dã, Khu DTTN Thần Sa - Phượng Hoàng có 346 loài, 89 họ, 25 bộ, trong đó có 60 loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn.
Khu DTTN Thần Sa - Phượng Hoàng có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, chủ yếu là núi đá hiểm trở, các xã, thị trấn trong Khu DTTN và vùng giáp ranh là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế còn hạn chế, đời sống của nhân dân trong Khu DTTN phần lớn còn phụ thuộc vào rừng và các sản phẩm từ rừng, nên công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã đối diện với nhiều thách thức và khó khăn.

Khỉ mặt đỏ

Dơi lá quạt

Rồng đất

Ếch xanh
Với mục tiêu bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên rừng, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái Khu DTTN Thần Sa - Phượng Hoàng, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động và giải pháp đồng bộ, kịp thời trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã cụ thể như sau:
Công tác tuyên truyền
Việc đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn động vật hoang dã tới từng thôn, xóm trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức của nhân dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý thường xuyên bám dân, bám rừng để tiếp cận tuyên truyền giúp thay đổi nhận thức của người dân sống trong và gần rừng về việc bảo vệ tài nguyên rừng, các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm; nghiêm cấm không săn, bắn, bẫy, bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, sử dụng và từ bỏ thói quen sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Ban quản lý đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương các xã, thị trấn có rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng tổ chức triển khai các nội dung tuyên truyền về Luật Đất đai (2013); Luật Bảo vệ môi trường (2005); Luật Đa dạng sinh học (2008); Luật Lâm nghiệp (2017); Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đa dạng sinh học; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý bảo vệ rừng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên….

Tuyên truyền bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn động vật hoang dã
Hỗ trợ đầu tư cộng đồng dân cư vùng đệm khu rừng đặc dụng
Khu DTTN Thần Sa - Phượng Hoàng có tổng số 67 thôn, xóm vùng đệm, trong đó có 60 thôn, xóm thuộc huyện Võ Nhai và 07 thôn, xóm thuộc huyện Đồng Hỷ. Thông qua việc hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm gắn liền với kết quả, trách nhiệm trong thực hiện cam kết quản lý, bảo vệ rừng, không để xảy ra vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn đã góp phần nâng cao ý thức, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã trong khu rừng đặc dụng. Nếu rừng được bảo vệ tốt, cộng đồng dân cư thôn/xóm được nhận hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, mua sắm hàng hoá, trang thiết bị phục vụ các công trình công cộng của cộng đồng, từng bước cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần cho cộng đồng. Đến nay, Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền đại phương các xã, thị trấn triển khai hỗ trợ cho 56 lượt thôn, xóm, với tổng số tiền hỗ trợ trên 2,2 tỷ đồng.
Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ cơ bản còn thấp, nhưng với việc hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị phục vụ các công trình công cộng của thôn, xóm vùng đệm đã giúp đời sống của người dân từng bước được nâng cao; ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư đã được nâng lên rõ rệt. Qua việc hỗ trợ cộng đồng kết hợp với công tác tuyên truyền đã đem lại hiệu quả thiết thực, khuyến khích, động viên cộng đồng chung tay tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng
Ban quản ý được giao quản lý diện tích rừng đặc dụng lớn, xa khu dân cư, đường giao thông đi lại khó khăn trên địa bàn 08 xã, thị trấn, giáp ranh với 03 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý còn mỏng, không thể thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại các khu vực nhậy cảm, khu vực rừng giáp ranh có nguy cơ cao xảy ra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, do vậy sự tham gia tích cực của người dân trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ động vật hoang dã là rất quan trọng. Tại các thôn, xóm có rừng đặc dụng đã thành lập các tổ bảo vệ rừng, lực lượng này đã thường xuyên phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng triển khai tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, đẩy, đuổi và ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, đây cũng là lực lượng chính, sẵn sàng báo tin và tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra, không để lửa cháy lan diện rộng.
Bảo tồn động vật hoang dã và tài nguyên thiên nhiên không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa bàn, bởi họ chính là người được hưởng lợi từ đa dạng sinh học cũng như phải chịu tác động trực tiếp của tình trạng suy thoái đa dạng sinh học. Thực tế cho thấy, với sự tham gia bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư sinh sống trong và gần rừng không những giúp sức cho đơn vị chủ rừng giải quyết được những khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã và phòng cháy chữa cháy rừng do thiếu hụt nguồn nhân lực, mà còn huy động được sức mạnh tập thể trong việc ngăn chặn các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp, tạo sự chuyển biến nhận thức trong nhân dân chung tay phối hợp với các cơ quan chức năng cùng nhau bảo vệ rừng tốt hơn. Cũng chính vì vậy, số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng giảm, rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng được bảo vệ ổn định và phát triển bền vững.


Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng
Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã
Trước thực trạng việc săn bắn, bẫy bắt, nuôi nhốt, buôn bán và bị giết mổ các loài động vật hoang dã làm hàng hóa (thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức…) tại các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng quà tặng lưu niệm… đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát vì đem lại lợi nhuận cao, cùng với đó là tập quán săn bắt chim, thú rừng của người dân ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là nạn đốt phá rừng làm nương rẫy đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống của các loài động vật hoang dã.




Các loài động vật hoang dã bị săn bắn, bẫy bắt, nuôi nhốt
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ rừng và bảo tồn động vật hoang dã trong khu rừng đặc dụng, Ban quản lý đã xây dựng và ký Quy chế phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và UBND các xã, thị trấn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng. Việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp là rất cần thiết, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã góp phần hạn chế những vi phạm liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp, ngăn chặn kịp thời các vụ xâm hại tài nguyên rừng, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, lãnh đạo các đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin, chỉ đạo các lực lượng tăng cường đấu tranh phòng ngừa, tuần tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra hoạt động vi phạm pháp luật về săn, bắn, bẫy, bắt, vận chuyển, buôn bán các loài động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm tra, phá dỡ, thu giữ và xử lý các bẫy, lưới giăng và các dụng cụ để săn bắt các loài động vật hoang dã; vận động nhân dân giao nộp các loại súng tự chế, súng thể thao, công cụ, dụng cụ dùng để săn, bắt, bẫy động vật hoang dã trái phép.
Đánh giá
Trong những năm gần đây Khu DTTN Thần Sa - Phượng Hoàng nhận được sự quan tâm và đầu tư đáng kể của tỉnh để bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên đa dạng sinh học, và các hệ sinh thái rừng đặc trưng. Nhiều chương trình, dự án liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học đã được đầu tư thực hiện như: Các chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học; các chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm cũng được quan tâm đầu tư nhằm giảm áp lực tiêu cực đến tài nguyên rừng, góp phần ổn định đời sống cho cộng đồng dân cư sinh sống trong và gần rừng.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân địa phương cùng với nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã tại Khu DTTN Thần Sa - Phượng Hoàng đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ, các hệ sinh thái rừng đã được bảo vệ, các vụ xâm hại tài nguyên rừng giảm rõ rệt, các loài động vật hoang dã được bảo tồn và phát triển.
Tác giả: Minh Tuấn
Bình luận 0