Ngày Tết cổ truyền, xuân Giáp Thìn năm 2024, trong không khí đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số sống ở gần khu rừng đặc dụng thì lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng đặc dụng phòng hộ tỉnh Thái Nguyên vẫn thầm lặng, trải đều lực lượng ở khắp các cánh rừng, chốt bảo vệ rừng vừa làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, vừa đón Tết giữa rừng già khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng.
Tết đến xuân về là dịp để mọi gia đình sum vầy, đoàn tụ, khác với sự náo nhiệt của phố thị những ngày cuối năm, sâu trong lõi rừng già của Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) bước chân của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên vẫn trải đều trong thầm lặng, đó cũng là cách mà các anh đón Tết suốt nhiều năm qua, Tết của các anh là giữa rừng già, là công việc giữ màu xanh và bình yên cho rừng.
Làm nghề hơn 10 năm nay cũng là chừng đó thời gian Ông Hà Mậu Hiệp - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 1 chưa một lần đón giao thừa ở nhà. Với ông Hiệp, rừng như ngôi nhà thứ hai và chuyện đón Tết ở rừng cũng rất nhiều cảm xúc.
Tết nào cũng vậy, Trạm bảo vệ rừng số 1 đều phân công các ca trực làm nhiệm vụ trực Tết và trực tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, các chốt bảo vệ rừng Lân Xá, chốt bảo vệ rừng Lân Nghiềng đều nằm giữa rừng già, để lên được chốt các anh phải đi bộ khoảng 2 giờ đồng hồ xuyên qua các cánh rừng, cuộc sống trên đây gần như tách biệt với bên ngoài, không sóng điện thoại, không nước sạch và không điện, ở đây là muôn vàn nguy hiểm rình rập. Sáng mùng 1, mùng 2 Tết anh em thay nhau đi dò sóng gọi điện về chúc Tết người thân và nơi ấy chỉ có những lời động viên nhau của các anh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững một trong những cánh rừng quan trọng của tỉnh Thái Nguyên.
Ông Hiệp chia sẻ "Là Trạm trưởng nên nhiều năm nay luôn nhận trực ca đêm giao thừa, mùng 1 Tết để anh em trẻ được về với gia đình. Biết là đêm giao thừa, giờ khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ với năm mới không có mặt ở nhà gia đình mong chờ, nhưng vì nhiệm vụ vẫn tình nguyện trực, vừa trực Tết vừa chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng".

Nghỉ giải lao trên đường tuần tra bảo vệ rừng

Buổi tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng
Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng với diện tích 18.704.,89 ha, nằm trên địa bàn 07 xã và 01 thị trấn của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên ở đây có những cánh rừng già nguyên sinh với những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. Khu dự trữ được coi như lá phổi xanh của tỉnh Thái Nguyên. Ngày bình thường vẫn có nguy cơ cháy rừng, xâm hại rừng, những ngày Tết nguy cơ lại cao hơn bởi một số nơi bà con có phong tục cúng trong rừng, nếu không kiểm soát tốt có thể xảy ra cháy chưa kể các đối tượng xấu thường chọn thời điểm này để xâm hại rừng. Vì vậy, các chốt, trạm bảo vệ rừng trực xuyên Tết 100%.
Ông Nguyễn Quang Lịch - Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên cho biết, nhiệm vụ bảo vệ rừng ngày thường đã vất vả, ngày Tết anh em cán bộ lại phải hy sinh nhiều hơn khi không được đón tết trọn vẹn bên gia đình. Tuy nhiên, vượt qua điều đó ai cũng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cán bộ địa bàn sinh hoạt tại chốt bảo vệ rừng

án bộ chốt bảo vệ rừng đón Tết cùng bà con đồng bào
"Những ngày cận Tết lãnh đạo các cấp đều đến thăm hỏi, tặng quà động viên, chia sẻ Ban quản lý và các Trạm, chốt bảo vệ rừng cơ sở. Ngoài ra tình cảm của đồng bào những người sống gắn bó với rừng dành cho anh em địa bàn những ngày Tết cũng đầm ấm không kém ở nhà", ông Lịch chia sẻ./.
Quang Lịch
Bình luận 0