Ngày 24/6/2022 Hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng được diễn ra tại Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên. Tham gia dự hội nghị gồm có đồng chí Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, đại diện Chi cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, đại diện Công an Huyện Võ Nhai, đại diện UBND các xã, thị trấn trong Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng.
Khu dự trữ thiên nhiên Thần sa - Phượng Hoàng là khu rừng đặc dụng quan trọng của tỉnh Thái Nguyên và cả nước. Diện tích khu dự trữ thiên nhiên gần 20.000ha trên địa bàn 7 xã và 1 thị trấn.
Ngày 25/6/2020 UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1835/QĐ-UBND thành lập Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên, ngay sau khi thành lập Ban quản lý đã tập trung triển khai quyết liệt các phương án bảo vệ rừng, cụ thể:

Từ năm 2020 Ban quản lý đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với các đơn vị liên quan. Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch rừng đặc dụng để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030.
Công tác tuần tra , kiểm tra, bảo vệ rừng đã được triển khai thường xuyên, liên tục. Trong 2 năm đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét trên rừng được 740 buổi, với 3.455 lượt người tham gia; lập biên bản xử lý xử lý 19 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ban quan lý đã phối hợp với UBND 07 xã và 01 thị trấn có rừng đặc dụng tổ chức được 34 lớp tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh cho nhân dân với 1.538 lượt người tham gia; 02 đợt tuyên truyền tại 02 trường học trên địa bàn với 450 lượt học sinh tham gia.
Trong 2 năm 2020 - 2021 Ban Quản lý đã thực hiện giao khoán trên 20.000 ha. Nhằm chủ động triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp PCCCR, tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng (Kiểm lâm, Công an huyện, chính quyền địa phương, các ngành) giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong lâm phần quản lý ngay từ khi vụ việc mới phát sinh. Thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra lại phương án, kế hoạch đã xây dựng, bổ sung kịp thời các tồn tại để đảm bảo phương án có hiệu quả, sát đúng với tình hình thực tế đơn vị đang quản lý, chủ động sẵn sàng ”4 tại chổ” đảm bảo lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVR - PCCCR được các cấp, ngành, đơn vị tăng cường thực hiện.
Đối với chương trình hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm, trong 3 năm Ban quản lý đã triển khai hỗ trợ cho 56 lượt thôn/ bản với tổng số tiền hỗ trợ là 2.240 triệu đồng. Việc thực hiện các mô hình trồng cây dược liệu đã giúp tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong 2 năm 2020 và năm 2021, Ban quản lý đã triển khai hỗ trợ 02 mô hình trồng cây dược liệu, tổng diện tích là 12,0 ha cho 16 hộ gia đình dân tộc thiểu số với 85 người dân tộc thiểu số tham gia hưởng lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: một số diện tích đất ở của người dân đã quy hoạch chồng lấn vào đất rừng đặc dụng; Khó khăn trong tiếp cận các chương trình, dự án quốc tế do đây là khu vực phòng thủ an ninh quốc phòng của Nhà nước; địa bàn quản lý rộng trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mỏng; Nguồn kinh phí của Nhà nước cấp cho hoạt động khoán bảo vệ rừng không thường xuyên, không liên tục, hoặc cấp muộn; Một số cá nhân, cộng đồng chưa chủ động, tự giác thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng theo đúng cam kết nhận khoán bảo vệ rừng; hiện chưa có kinh phí hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý và các lực lượng phối hợp…


Một số ý kiến đóng góp tại Hội nghị.
Thời gian tới, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng trong theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ rừng tăng cường hoạt động có hiệu quả lực lượng BVR chuyên trách của đơn vị luôn đảm bảo đủ mạnh về cả số lượng và chất lượng để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR; nhất là tại các Trạm; nắm bắt tình hình, chủ động tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; báo cáo, phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định. Góp phần đẩy lùi các vụ vi phạm lâm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn quản lý và đặc biệt là khu vực vùng giáp ranh./.
Dạ Hương
Bình luận 0