Ngày 20 tháng 5 năm 2024, tại Trường Đại học Lâm nghiệp, Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Cục Kiểm lâm tổ chức Hội thảo góp ý Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Tham dự Hội thảo có Cục Kiểm lâm Việt Nam; Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam; Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; Hiệp hội Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW); các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, Sở Nông nghiệp và PTNT và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, các cơ quan, tổ chức nước ngoài…

TS. Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và PTNT Việt Nam phát biểu
Rừng đặc dụng Việt Nam được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Rừng đặc dụng gồm Vườn quốc gia, Khu dự trữ thiên nhiên và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh, Khu bảo vệ cảnh quan và Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia. Hiện nay diện tích rừng đặc dụng cả nước gần 2,4 triệu ha, trong đó Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên có vai trò chủ đạo, chiếm trên 60% về số lượng và trên 90% về diện tích của cả hệ thống.
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 15% diện tích rừng toàn quốc, hệ thống rừng đặc dụng là nơi bảo tồn đầy đủ nhất, cả về số lượng và chất lượng các hệ sinh thái rừng đặc trưng, các loài động, thực vật và tài nguyên đa dạng sinh học của đất nước, trong đó có nhiều loài nguy cấp quý, hiếm. Nhiều yếu tố đóng góp vào thành quả này, trong đó có vai trò và đóng góp quan trọng của lực lượng Kiểm lâm. Bài học rút ra từ quá trình xây dựng và phát triển hệ thống rừng đặc dụng cho thấy Kiểm lâm, gắn với các Ban quản lý Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên là lực lượng nòng cốt, quan trọng trong bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng và vi phạm luật vẫn đang diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng. Do đó, việc sửa đổi và bổ sung một số Điều Nghị định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là hết sức cần thiết.

Đồng chí Bùi Chính Nghĩa – Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam chủ trì Hội thảo
Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong năm 5 thực hiện (2019-2024) đã đáp ứng được yêu cầu về hoạt động tổ chức hệ thống Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp đã đạt được những kết quả song Nghị định cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số điều. Hệ thống tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng đã ổn định luôn gắn bó với Ban quản lý rừng đặc dụng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc đồng thời là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm được quy định cụ thể tại Khoản 1, điều 26, Nghị định số 117/2010/NĐ-CP do vậy công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt hiệu quả, thống nhất, một đầu mối; chế độ, chính sách đãi ngộ với Kiểm lâm được bảo đảm. Sau khi Luật Lâm nghiệp được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp đồng thời ban hành Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Quy định tại khoản 1 điều 11 Nghị định số 01/2019/NĐ-CP “Kiểm lâm rừng đặc dụng, kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức hành chính, thuộc Kiểm lâm trung ương đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do trung ương quản lý, thuộc Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương địa phương quản lý”.

Đồng chí Nguyễn Quang Lịch - Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trên thực tiễn; việc tách các Hạt Kiểm lâm khỏi Ban quản lý rừng về Kiểm lâm trung ương hoặc Kiểm lâm cấp tỉnh gặp khó khăn do phát sinh nhiều tổ chức hành chính, trong khi đó không có chỉ tiêu biên chế công chức để chỉ đạo công tác điều hành, phối hợp bảo vệ rừng cũng gặp nhiều bất cập dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm giữa chủ rừng và kiểm lâm; không gắn liền trách nhiệm và quyền lợi giữa ban quản lý rừng và kiểm lâm….hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng thấp, các vụ phá rừng, khai thác rừng tăng.
Từ những bất cập trên, đã có 26 Hạt kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng giải thể chuyển sang lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Tuy nhiên, sau khi giải thể tổ chức Kiểm lâm ở các ban quản lý rừng chuyển sang lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không hiệu quả, do thẩm quyền bị hạn chế, không được trang bị vũ khí, đồng phục kiểm lâm, không còn được hưởng các chế độ như thâm niên, ưu đãi nghề, thu nhập của người lao động thấp, giảm nhiều dẫn đến đời sống khó khăn.

GS.TS Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam
Tại Hội thảo đã được nghe báo cáo của Cục Kiểm Lâm về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Báo cáo tham luận đề xuất của Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; Báo cáo tham luận của Hiệp hội Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam; Báo cáo kinh nghiệm quốc tế từ các tổ chức phi lợi nhuận của Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam. Báo cáo tham gia ý kiến của các Vườn quốc gia, các Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, một số Sở Nông nghiệp và PTNT và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh…



Một số hình ảnh đại biểu dự Hội thảo
Hội thảo đã đạt được sự đồng thuận cao về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Các ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường cơ chế giám sát và thực thi pháp luật; Chế tài xử phạt; Nâng cao năng lực và điều kiện làm việc cho lực lượng Kiểm lâm và Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với cộng đồng nhằm bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng của Việt Nam./.
Tin và ảnh: Nguyễn Quang Lịch
Bình luận 0